Đẩy mạnh công tác xã hội, tư vấn học đường trong trường học

Quang cảnh hội nghị

Theo ý kiến của các nhóm nghiên cứu và các chuyên gia tham dự hội nghị cho thấy, việc triển khai Thông tư 31/2017/TT-BGDĐT và Thông tư 33/2018/TT-BGDĐT (Thông tư 31 và Thông tư 33) về công tác tư vấn tâm lý học sinh và công tác xã hội trong trường học đã đạt được những kết quả nhất định. Thông tư 31 và Thông tư 33 đã hỗ trợ cho các trường học tháo gỡ khó khăn trong đời sống tâm lý, học tập, xã hội của học sinh; thúc đẩy các nguồn lực phục vụ cho các hoạt động của nhà trường; phát hiện sớm các nguy cơ và thực hiện phòng ngừa; nâng cao năng lực cho các bên liên quan. Việc triển khai hai thông tư đã góp phần phát triển môi trường trường học an toàn - thân thiện.

Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số khó khăn, bất cập khi triển khai hai thông tư, cho thấy những thách thức to lớn mà các trường học hiện nay phải đối mặt như: Sự phát triển của công nghệ 4.0; sự phức tạp của xã hội. Các chuyên gia cũng chỉ ra một số khó khăn khi triển khai Thông tư 31 và 33, đặc biệt là tại các cơ sở giáo dục như hầu hết các cơ sở giáo dục, nhà trường không có dược lực lượng chuyên trách, các thầy giáo, cô giáo kiêm nhiệm công tác tư vấn học đường không được đào tạo bài bản và thiếu thời gian; học sinh vẫn còn tâm lý ngần ngại khi đến phòng tham vấn có các thầy, cô là những người đang hàng ngày giảng dạy mình. Bên cạnh đó, cơ chế chính sách cho các giáo viên cũng chưa được thỏa đáng.

Thảo luận về mục tiêu, chiến lược, giải pháp thực hiện hiệu quả Thông tư 31 và Thông tư 33 của Bộ GDĐT, ý kiến của các chuyên gia trong nước và quốc tế đề nghị cần đẩy mạnh vai trò quản lý, đảm bảo chất lượng trong công tác bồi dưỡng giáo viên phụ trách công tác xã hội và tư vấn tâm lý trong các cơ sở giáo dục. Các giáo viên tham gia các khóa tập huấn cần được cấp chứng chỉ tương ứng do các cơ sở đào tạo có uy tín cung cấp dựa trên kiểm tra, đánh giá quá trình bồi dưỡng và kết quả đầu ra. Thúc đẩy hơn nữa các hoạt động bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ với cả hai lĩnh vực tham vấn học đường và công tác xã hội trong trường học, trong đó bảo gồm cả viêc bồi dưỡng về công tác bảo vệ trẻ em.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GDĐT Ngô Thị Minh khẳng định, Bộ GDĐT luôn quan tâm tới việc thực hiện các hoạt động tư vấn tâm lý, công tác xã hội trong việc tư vấn, hỗ trợ học sinh sinh viên trong các cơ sở giáo dục, nhằm đảm bảo các em được học tập, hoạt động trong môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, lành mạnh, bình đẳng, góp phần phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần và trí thuệ, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Thứ trưởng nhấn mạnh, việc triển khai Thông tư 31 và 33 cần có sự phối hợp của Bộ GDĐT, các Sở GDĐT và các chuyên gia về công tác xã hội, tư vấn tâm lý. Quá trình triển khai các hoạt động công tác xã hội, tư vấn tâm lý trong trường học và triển khai Thông tư 31, Thông tư 33 cần có sự chỉ đạo sâu sát của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự phối hợp hiệu quả của các tổ chức chính trị, xã hội, sự đồng thuận, ủng hộ và tích cực tham gia của các cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh, cha mẹ học sinh và các chuyên gia tâm lý, công tác xã hội; cũng như rất cần sự ủng hộ của các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

“Điều kiện hết sức quan trọng để triển khai hoạt động tư vấn tâm lý và công tác xã hội trong trường học đạt được hiệu quả, đó là hoạt động này phải được thực hiện sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; nhà trường và huy động được các nguồn lực xã hội”, Thứ trưởng Ngô Thị Minh nói.

Trung tâm Truyền thông Giáo dục

Nguồn: http://moet.gov.vn

Comment(s)